NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ 10/10/1954 -
MỐC SON LỊCH SỬ
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái
Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng
trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường
tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công
hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội,
ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực
dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành
công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được
sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới
sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ
(23-9-1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời
kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ”,với tinh thần “Quyết tử để Tổ
quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng
lên đánh giặc cứu nước.
Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng
oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao
sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến
của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương
giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của
quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại
Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ
(20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt
Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm
trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng
thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di
cư vào Nam ,
làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ
động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt
để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng
và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là
công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với
địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng
thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu
tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc
thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy
định tại Hiệp định Giơnevơ.
Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên
lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành
phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội
nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn
đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức
trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9
năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân
chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự
lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội
nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên
đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức
mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là
niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội
lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành
phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè
quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin
và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét