Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Giấc mơ đôi chân thiên thần - Bông hồng trắng



CHÀO MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10
BÀI DỰ THI GIỚI THIỆU SÁCH
TÁC PHẨM  “ ƯỚC MƠ ĐÔI CHÂN THIÊN THẦN”
TRẦN THỊ TRÀ MY
Chúng ta thật sự xúc động về hình ảnh một nhà văn nữ khuyết tật Trần Thị Trà My. Chị đã đến với phóng sự truyền hình tuần qua như một đoá hoa xương rồng nở trên cát.Trần Thị Trà My sinh ngày 28 tháng 6 năm 1986,sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Đông Hà - Quảng Trị. Lúc mới tròn 3 tuổi, Chị Trà My bị một cơn sốt cao hành hạ liệt cả hai chân và tay, giọng nói thì cũng không tròn trịa thành lời. Tuổi thơ của chị thấm đẫm những giọt nước mắt vì không được vui chơi đến trường như những bạn bè cùng tranh lứa. Đã bao lần chị tìm đến với cái chết nhưng rồi chị đã xác định lại ước mơ của mình và bắt đầu ý thức rằng mình phải vươn lên để trở thành một người nổi tiếng. Chị My bắt đầu học chữ từ những hai đứa em của mình và đến năm 16 tuổi chị bắt đầu viết văn với một đam mê cháy bỏng. Hằng ngày chị vẫn miệt mài gõ bàn phím bằng một ngón tay với một trái tim luôn dạt dào cảm xúc. Năm 2006 đoạt giải 3 cuộc thi sáng tác truyện ngắn văn học nghệ thuật. Truyện ngắn “ước mơ đôi chân thiên thần” do nhà xuất bản Lao đông Hà Nội xuất bản năm 2009 và nhà xuất bản Thanh niên tái xuất bản cuối năm 2013. Không những thế chị còn là thành viên Ban cộng tác xã hội Búp sen hồng, Đại sứ hành trình xuyên Việt 2011 do hành trình xanh phát động, Đại sứ hành trình trên đất phù sa 2012 do Nhà văn hoá Thanh niên tổ chức. Trà My còn được bình chọn 1 trong 12 gương mặt khuyết tật tài năng của Việt Nam năm 2013 do chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.  
     Đọc tập truyện ngắn “Ước mơ đôi chân thiên thần” người đọc cảm thấy ở đó một giọng văn đượm buồn và có rất nhiều trăn trở, suy tư. Tác phẩm gồm 20 truyện ngắn như: Bản lĩnh, bông hồng trắng, mặc cảm, như một giấc mơ, những cửa sổ không bao giờ khép, nổi đau ngàn đời…Nội dung của hầu hết các truyện ngắn là nổi niềm của chính chị My đã len lỏi vào cuộc đời, số phận của các nhân vật trong trong mỗi câu chuyện. Chị đã gửi gắm những ước mơ đẹp đẽ của mình đến  một con đường đầy tương lai hứa hẹn.
                    
   Nhân vật Châu trong truyện “Bản lĩnh” là một cô bé xuất thân trong một gia đình nghèo khó nhưng có lòng ham học. Cô đã vượt qua số phận và bước chân vào giảng đường đại học, tự làm thêm để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Dù va chạm vào xã hội với bao điều bất trắc nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua và luôn nhận thức rõ ràng về một lối đi đúng đắn cho mình. Càng hấp dẫn hơn nữa là nhân vật tôi trong truyện “Bông hồng trắng”, một cô bé  thật bướng bỉnh khi biết người mẹ hiện tại không phải là mẹ đẻ của mình nên cô đã bao lần không đón nhận tình cảm ấy một cách chân thành. Ngày lễ Vu Lan, mẹ đã cài lên áo cô một bông hồng trắng thật xinh xắn nhưng cô đã giận dữ vứt bông hồng xuống đất và gào thét. Cô bé đã bỏ nhà ra đi và mẹ chính là người đã tìm con trở về trong vòng tay yêu thương. Mẹ dỗ dành âu yếm. Hằng ngày, mẹ thường dắt con lên chùa và được Phật gieo vào đầu óc con bao điều tốt lành. Để rồi con chợt nhận ra những điều mình làm chưa phải với mẹ, con không  còn oán trách cha người đã vội thay thế đi người phụ nữ khác trong tim của mình vì đức Phật đã dạy con bao điều hay. Con thật sự có lỗi với mẹ. Con chợt hiểu, tuy mẹ không phải là người sinh ra mình nhưng tình cảm mẹ dành cho con quá đỗi lớn lao. Mẹ đã gieo vào trong con hạt giống yêu thương, nhân hậu. Bây giờ con muốn mẹ chính là người cài lên ngực áo của con bông hồng trắng để con đền ơn báo hiếu. Ngày nay, con đã trưởng thành và con đã đem lại cho mẹ niềm vui thật sự mà bấy lâu nay con đã chà đạp lên tình yêu thương ấy. Tuy mỗi nhân vật trong truyện đều là những mảnh đời bất hạnh khác nhau, họ phải đánh đổi tuổi thanh xuân của mình để vượt qua mọi gian khổ. Họ biết vươn lên, biết hi vọng chờ đợi để tìm thấy sự chân thành của con người, của cuộc sống. Chính vì thế mỗi trang sách đều mở ra cho nhân vật của mình một lối thoát đẹp, lấp lánh và đầy ánh sáng trên con đường thành công.
   Thật quả đúng: “ Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Con đường đến với văn chương của chị Trà My thật không phải dễ dàng. Chi đã vượt qua bao gian khổ của bản thân để đặt chân đến đất Sài Gòn không người thân chăm sóc để tự lập kiếm sống bằng cách viết bài cộng tác cho các báo chí, rồi đến những thành công rạng rỡ như ngày hôm nay. Đó là những gì chị đã chắt chiu trong những năm qua và đó cũng là sự khao khát của một cô gái trẻ không may bị khuyết tật, nhưng vẫn luôn nuôi ước mơ được sống, được cống hiến như bao người bình thường khác. Hành trình của một người bình thường đến với tri thức đã khó khăn thì hành trình của một người khuyết tật còn khó khăn gấp vạn lần. Thế nhưng chị vẫn luôn tồn tại một niềm tin vô hình để đương đầu với nó. Bởi chị luôn tin rằng cuộc sống sẽ không bao giờ quay lưng lại với những ai sống tốt và không ngừng cố gắng, Bởi lẽ trên đời này không có cái gì gọi là “ số phận đã an bài” mà những nghịch cảnh chẳng qua là do số phận bày ra để thử thách nghị lực của chúng ta mà thôi !
  Cuối cùng “ Ước mơ đôi chân thiên thần” của chi cũng đã thành hiện thực. Những nụ cười đã nở, những giọt nước mắt đã rơi, một niềm tin và nghị lực phi thường đã ươm mầm. Những dòng chữ phía sau vẫn luôn lấp lánh, toả sáng với những khát vọng sống, niềm đam mê và nghị lực phi thường.
   Các bạn à! Niềm tin và nghị lực luôn là con đường đi đến thành công. “ Cuộc đời rất ngắn ngủi. Đừng lãng phí nó bởi nỗi buồn. Hãy là chính mình, luôn vui vẻ, tự do và trở thành bất cứ những gì bạn muốn” Chị Trà My chính là tấm gương sáng cho chúng em noi theo. Chúng em đã bao lần phải ngấn lệ khi đọc những trang truyện đẫm nước mắt với những đau khổ của cá nhân mà chi đã không ngừng vượt lên trên số phận để nhìn đời bằng đôi mắt của người hạnh phúc. Các bạn hãy nhanh chân đón đọc tác phẩm “ Ước mơ đôi chân thiên thần” của chị Trà My nhé!
    Mình hy vọng, mỗi chúng ta khi đọc nó sẽ có những bài học thật bổ ích cho tương lai.
    Trân trọng kính chào!

































































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét